Những lỗi hồ sơ kinh điển khiến ứng viên mất điểm trước nhà tuyển dụng

Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao bạn gửi hồ sơ xin việc cho nhiều nơi đã lâu nhưng vẫn chưa có nơi nào gọi đện hay gửi mail liên lạc để mời bạn đến phòng vấn trực tiếp chưa? Có thể hồ sơ xin việc của bạn đã phạm sai lầm khiến bạn mất điểm trước nhà tuyển dụng. Thế thì bạn nhất định phải đọc kĩ bài viết này của Việc làm HCM và kiểm tra xem hồ sơ ứng viên của mình có sai sót gì không để chỉnh sửa ngay lập tức nhé.

Khi xin việc, bạn luôn phải trải qua công đoạn gửi hồ sơ ứng viên đến với nhà tuyển dụng trước. Hồ sơ này giống như “gương mặt thương hiệu” của bạn vậy. Nhà tuyển dụng sẽ tiếp xúc với hồ sơ qua đó quyết định việc chọn hay bỏ qua ứng viên là bạn nếu hồ sơ của bạn không đạt yêu cầu. Muốn hồ sơ ứng viên thu hút nhà tuyển dụng là điều không hề dễ dàng, nhất là đối với những bạn sinh viên mới ra trường còn non nớt kinh nghiệm và thiếu hụt các kỹ năng mềm. Thậm chí những người đã có kinh nghiệm làm việc vẫn phạm sai lầm trong khi viết hồ sơ ứng viên khiến cho đơn xin việc bị loại ngay từ “vòng gửi xe”. Để được các nhà tuyển dụng “chọn mặt gửi vàng” bạn cần nghiêm túc đầu tư cho hồ sơ ứng viên của mình, nhất là tránh phạm các lỗi sai kinh điển khi chuẩn bị hồ sơ xin việc.

Sử dụng mail ứng viên không lịch sự nghiêm túc

Khi gửi đơn xin việc đính kèm hồ sơ ứng viên qua địa chỉ mail cho nhà tuyển dụng, bạn không thể gửi từ địa chỉ mail thiếu nghiêm túc như conangnhinhanh@... hay đại loại như thế được. Nếu bạn vẫn ung dung sử dụng địa chỉ mail tương tự nick chat, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn thiếu tế nhị, thiếu đứng đắn và không hề nghiêm túc khi xin việc. Và lẽ dĩ nhiên là hồ sơ ứng viên của bạn sẽ không bao giờ được họ ngó ngàng đến.

Địa chỉ thư điện tử cũng được xem như là bộ mặt của bạn khi liên lạc với nhà tuyển dụng. Làm thế nào để ngay từ cái nhìn đầu tiên nhà tuyển dụng đã cảm mến bạn? Việc làm HCM sẽ mách nước giúp bạn cách làm hài lòng nhà tuyển dụng ngay từ địa chỉ mail. Trước hết, bạn phải tạo mới địa chỉ mail dạng đầy đủ họ tên thật dành riêng cho trao đổi công việc để tránh mắc sai lầm kinh điển này của đại đa số các ứng viên. Nên nhớ địa chỉ mail chỉ nên đặt dựa trên họ tên thật, nếu trùng bạn có thể thêm dãy số là ngày tháng sinh hoặc năm sinh hoặc cả ngày tháng năm sinh. Đặc biệt trong địa chỉ thư điện tử của bạn không được phép chứa những thông tin thiếu lịch sự, thiếu tế nhị nếu bạn không muốn bị nhà tuyển dụng ngó lơ.

Việc sử dụng địa chỉ mail nghiêm túc khi gửi hồ sơ ứng viên tức là bạn đã thành công bước đầu trong công cuộc đầy cam go để chinh phục nhà tuyển dụng rồi đấy.

Tiêu đề mail xin việc không phù hợp

Khi xin việc bằng cách gửi hồ sơ ứng viên thông qua địa chỉ thư điện tử của nhà tuyển dụng rất nhiều người trẻ non nớt kinh nghiêm phạm phải sai lầm kinh điển này: không viết tiêu đề hay gửi mail với tiêu đề không phù hợp, không rõ ràng. Đây là điều tối kỵ trong gửi đơn xin việc trực tuyến khiến ứng viên mất điểm trầm trọng. Nhà tuyển dụng sẽ không bao giờ ưu tiên mở những thư điện tử không có tiêu đề hoặc tiêu đề không rõ ràng. Trong khi còn vô số thư xin việc của các ứng viên khác được trau chuốt tỉ mỉ từ tiêu đề đến nội dung thì chẳng việc gì các nhà tuyển dụng phải ngó qua lá thư xin việc không tiêu đề hoặc tiêu đề không phù hợp của bạn.

Mail xin việc của bạn khi không đặt tiêu đề rõ ràng rất dễ bị nhầm là thư rác (Spam) hoặc thư cũng sẽ bị trôi mà không để lại bất kỳ ấn tượng gì trong mắt nhà tuyển dụng. Nhưng cũng không cần thiết phải đặt một tiêu đề quá khoa trương bởi nhà tuyển dụng sẽ loại bạn ngay. Tiêu đề thư xin việc nên đặt ngắn gọn, súc tích như thế này: “Đơn xin ứng tuyển vị trí … công ty …” là tốt nhất.

Gửi tập tin đính kèm bị thiếu, không mở được

Một lỗi sai kinh điển mà Việc làm HCM muốn nhắc nhở bạn khi gửi đơn xin việc thông qua địa chỉ thư điện tử: gửi tập tin đính kèm bị thiếu, không mở được. Sinh viên mới ra trường thiếu kinh nghiệm và kỹ năng thường vấp phải sai lầm này khiến hồ sơ xin việc không được nhà tuyển dụng ngó ngàng đến.

Ứng viên khi gửi thư điện tử cho nhà tuyển dụng thường phải đính kèm các tệp như đơn xin việc, CV để nhà tuyển dụng có dữ liệu đánh giá bước đầu về ứng viên. Nhưng khá nhiều người mắc lỗi gửi tập tin đính kèm bị thiếu, file không mở lên được do file cài mật khẩu, file không tương thích với máy tính. Giờ thì bạn thử tưởng tượng mình là nhà tuyển dụng và gặp tình trạng tương tự, bạn sẽ tiếp tục hay quyết định bỏ qua hồ sơ của một ứng viên đầy bất cẩn như thế? Chắc chắn câu trả lời luôn là bỏ qua dù hồ sơ ứng viên có đạt yêu cầu, CV có đẹp đến mức độ nào đi chăng nữa cũng không thể cứu vãn được hình ảnh một ứng viên thiếu cẩn trọng trong mắt các nhà tuyển dụng.

Lời khuyên của Việc làm HCM dành cho bạn là hãy kiểm tra lại một vài lượt nội dung mail trước khi ấn nút gửi đi để có thể phát hiện lỗi sai kịp thời và chỉnh sửa. File đính kèm trong mail nên chọn các dạng phổ biến, tương thích với đại đa số dòng máy tính như Doc, PDF.

Hồ sơ ứng viên thiếu yếu tố mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm

Bạn không thể xin vào làm ở vị trí nhân viên văn phòng cho một công ty nước ngoài khi CV của bạn không có dòng nào trình bày về trình độ năng lực ngoại ngữ được. Một hồ sơ ứng viên thiếu đi một yếu tố mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm có thể khiến bạn mất điểm dẫn đến việc bạn bị loại trước các đối thủ khác.

Để gây chú ý với nhà tuyển dụng bạn phải thể hiện năng lực của mình thông qua hồ sơ ứng viên chứ không thể gửi một CV chung chung được. Thể hiện thế mạnh của bản thân thông qua CV bằng cách liệt kê các yếu tố nhà tuyển dụng đang cần ở ứng viên cho vị trí tuyển dụng. Nếu bạn muốn xin công việc văn phòng thì bạn cần trưng ra cho nhà tuyển dụng thấy trình độ tin học, anh văn của bạn đáp ứng vị trí ra sao. Tương tự như thế, hồ sơ ứng viên với cách trình bày thể hiện đúng, đủ những yêu cầu mà nhà tuyển dụng đưa ra chắc chắn bạn đã ghi được điểm.

Không liệt kê thông tin liên hệ trong mail

Sai lầm phổ biến của nhiều ứng viên khi xin việc thông qua địa chỉ thư điện tử là đây. Dù thông tin liên lạc đã được điền đầy đủ trong file đính kèm nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên bỏ qua việc liệt kê chúng thêm một lần nữa trong mail. Nhà tuyển dụng không có nhiều thời gian để mở từng tập tin đính kèm chỉ để tìm địa chỉ liên lạc của bạn. Cẩn thận ghi lại thông tin liên hệ của mình trong mail là việc làm không thừa thãi chút nào trong xin việc.

Chữ ký trong mail không phù hợp

Trong phần chữ ký của email, bạn chỉ nên đưa vào những thông tin liên hệ cần thiết tránh việc dẫn nguồn về địa chỉ các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, … Lí do nằm ở việc các trang mạng xã hội thường là nơi bạn bày tỏ quan điểm cá nhân, đôi khi vài câu than thở về công ty, sếp cũ hay đồng nghiệp hoặc những thông tin mang nghĩa tiêu cực từ trang cá nhân của bạn có thể khiến nhà tuyển dụng e dè và bỏ qua hồ sơ ứng viên của bạn ngay lập tức.

Việc làm HCM khuyên bạn chỉ nên đưa các thông tin thật sự cần thiết và không dẫn nguồn về trang mạng xã hội để tránh việc bị nhà tuyển dụng ngó lơ hồ sơ xin việc mà bạn lại chẳng biết mình đã làm gì sai. Bạn nhất thiết phải tạo trang mạng xã hội mới dành riêng cho công việc đề phòng trường hợp vị trí bạn ứng tuyển đòi hỏi.

Ảnh đại diện thiếu chuyên nghiệp

Một tấm ảnh “tự sướng” hay trang phục trong ảnh không phù hợp nằm chễm chệ trên CV xin việc chẳng khác nào bạn tự tay loại chính hồ sơ ứng viên của bạn khỏi vị trí bạn ao ước.

Việc làm HCM mách nước cho bạn cách chụp ảnh đại diện làm hài lòng nhà tuyển dụng. Tư thế ảnh thẻ với trang phục là áo sơ mi nghiêm chỉnh và vẻ mặt tươi tắn, thân thiện. Chỉ cần những bí quyết nho nhỏ thế thôi, bạn đã giúp hồ sơ ứng viên của mình ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.

Ngôn ngữ mail tiêu cực hay tự đại

Đừng khiến nhà tuyển dụng dị ứng bằng ngôn ngữ mail tự đại hay tiêu cực vì bạn sẽ chỉ khiến họ bỏ qua một cách thẳng thừng hồ sơ ứng viên của bạn mà thôi. Tự tin khác hoàn toàn tự kiêu, tự đại vì thế bạn cần cẩn trọng trong từng câu chữ khi gửi mail xin việc.

Nội dung mail xin việc không được đầu tư cẩn thận

Bạn nên nhớ các nhà đầu tư sẽ đánh giá bạn thông qua mail xin việc nên tránh sai phạm về cách diễn đạt từ, lỗi chính tả hay nhầm nhọt tên công ty này với tên công ty khác.

Tránh viết mail xin việc không đầu đuôi hay cụt ngủn kiểu qua loa đại khái, cho vui khiến nhà tuyển dụng có cái nhìn khắt khe hơn về con người bạn. Họ có thể đánh giá bạn là người hoàn toàn không nghiêm túc chỉ với những dòng ngắn ngủi trong mail xin việc.

Một số cách viết mở đầu mail xin việc làm hài lòng nhà tuyển dụng mà Việc làm HCM giới thiệu cho bạn: “Kính gửi phòng nhân sự công ty …” hoặc “Kính gửi công ty…” đủ cho nhà tuyển dụng thấy sự chân thành của bạn.

Việc ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng không hề khó nếu bạn thật sự nghiêm túc kiểm tra lại lỗi sai trong hồ sơ ứng viên của mình và sửa chữa. Hy vọng bài viết này của Việc làm HCM sẽ giúp bạn tránh được những sai lầm kinh điển trong gửi mail xin việc và sớm tìm được công việc như ý.